Thang máy là một trang thiết bị đặc biệt, đòi hỏi tính an toàn rất chặt chẽ, bởi lẽ nó liên quan trực tiếp đến tài sản và tính mạng của con người. Bài viết này sẽ cung cấp cho Quý Khách Hàng những thuật ngữ chuyên môn và giúp Quý Khách Hàng có những phân biệt rõ nét hơn về loại hình sản phẩm này.
Khái niệm thang máy
Với các tòa nhà cao tầng, việc trang bị thang máy là bắt buộc để phục vụ việc đi lại trong tòa nhà. Nếu vấn đề vận chuyển người trong những tòa nhà này không được giải quyết, các dự án xây dựng các tòa nhà cao tầng chắc chắn sẽ không thành hiện thực được.
Thang máy là một thiết bị vận chuyển đòi hỏi tính an toàn nghiêm ngặt, nó liên quan trực tiếp đến tài sản và tính mạng con người. Vì vậy yêu cầu chung đối với thang máy khi thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành, sử dụng và sửa chữa chính là tuân thủ một cách nghiêm ngặt các yêu cầu về kỹ thuật an toàn được quy định trong các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm.
Thang máy chỉ có cabin đẹp, sang trọng, thông thoáng, êm dịu thì chưa đủ điều kiện để đưa vào sử dụng mà phải có đầy đủ các thiết bị an toàn, đảm bảo độ tin cậy như: điện chiếu sáng dự phòng khi mất điện, điện thoại nội bộ (interphone), chuông báo, bộ hãm bảo hiểm, an toàn cabin (đối trọng), công tắc an toàn của cửa cabin, khóa an toàn cửa tầng, bộ cứu hộ khi mất điện nguồn v..v…
Với các tòa nhà cao tầng, việc trang bị thang máy là bắt buộc để phục vụ việc đi lại trong tòa nhà
Phân loại thang máy
Thang máy hiện nay đã được thiết kế và chế tạo rất đa dạng, với nhiều kiểu, loại khác nhau để phù hợp với mục đích sử dụng của từng công trình.
Có thể phân loại thang máy theo các nguyên tắc và đặc điểm sau:
- Theo hệ thống dẫn động cabin
- Theo vị trí đặt bộ tời kéo
- Theo hệ thống vận hành
- Theo các thông số cơ bản
- Theo kết cấu các cụm cơ bản
- Theo vị trí của cabin và đối trọng giếng thang
- Theo quỹ đạo di chuyển của cabin
- Theo công dụng (TCVN 5744 – 1993) thang máy được phân thành 5 loại:
- a) Thang máy chuyên chở người: Loại này chuyên để vận chuyển hành khách trong các khách sạn, công sở, nhà nghỉ, các khu chung cư, trường học, tháp truyền hình v..v..
- b) Thang máy chuyên chở người có tính đến hàng đi kèm: Loại này thường dùng cho các siêu thị, khu triển lãm v.v..
- c) Thang máy chuyên chở bệnh nhân: Loại này chuyên dùng cho các bệnh viện, các khu điều dưỡng,… Đặc điểm của nó là kích thước thông thủy cabin phải đủ lớn để chứa băng ca (cáng) hoặc giường của bệnh nhân, cùng với các bác sĩ, nhân viên và các dụng cụ cấp cứu đi kèm. Hiện nay trên thế giới đã sản xuất theo cùng tiêu chuẩn kích thước và tải trọng cho loại thang máy này
- d) Thang máy chuyên chở hàng có người đi kèm: Loại này thường dùng trong các nhà máy, công xưởng, kho, thang dùng cho nhân viên khách sạn v.v… chủ yếu dùng để chở hàng nhưng có người đi kèm để phục vụ.
- e) Thang máy chuyên chở hàng không có người đi kèm: Loại chuyên dùng để chở vật liệu, thức ăn trong các khách sạn, nhà ăn tập thể ..v..v.. Đặc điểm của loại này là chỉ có điều khiển ở ngoài cabin (trước các cửa tầng) còn các loại thang khác nêu ở trên vừa điều khiển cả trong cabin và ngoài cabin.
Ngoài ra còn có các loại thang chuyên dùng khác như: thang máy cứu hỏa, chở ô tô, thực phẩm..v..v..
Giải thích các kí hiệu thang máy
Thang máy được ký hiệu bằng các chữ và số, dựa vào các thông số cơ bản sau:
– Loại thang: Theo thông lệ quốc tế người ta dùng các chữ cái (Latinh) để ký hiệu như sau:
- Thang chở khách: P (Passenger)
- Thang chở bệnh nhân: B (Bed)
- Thang chở hàng: F (Freight)
– Số người và tải trọng [(Person) người – kg] – VD: P9-600kg
– Kiểu mở cửa:
- Mở chính giữa lùa về hai phía: CO (Centre Opening)
- Mở một bên lùa về một phía: 2S hoặc 3S (Single Side)
– Tốc độ [m/ph; m/s] – VD: 60m/ph hoặc 1m/s
– Số tầng phục vụ và tổng số tầng của tòa nhà – VD: 04/05 điểm dừng
– Hệ thống điều khiển
– Hệ thống vận hành
(nguồn: Nippon)